Đòn bẩy cho sức phát triển thời kỳ mới

0
12

– Đòn bẩy cho sức phát triển thời kỳ mới

Không phải vô cớ khi ngay tại buổi làm việc của đoàn công tác Thủ tướng Phạm Minh Chính và TP.HCM về kinh tế – xã hội và sau 1 năm triển khai nghị quyết 98, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã nói thẳng, nói thật: “Dù có cơ chế đặc thù nhưng khi thực hiện vẫn luẩn quẩn đi đối chiếu với pháp luật hiện hành để đảm bảo tính an toàn cho số cơ quan, số bộ ngành”. Bản chất vẫn là sự phân cấp ủy quyền chưa thật sự tối đa nên các quy định trong Luật, Nghị định, Thông tư vẫn chồng lấn, dẫn tới dưới hỏi lên, trên đẩy xuống, không ai dám quyết, thực tế lại “treo” và tiếp tục chậm trễ.

Xét về một mặt nào đó, cơ chế đặc thù được xem như là bước đi tiền trạm để sau khi xem xét, nghiệm thu kết quả thí điểm (có thời hạn, như với Nghị quyết 98 về phát triển TP.HCM theo cơ chế đặc thù kéo dài 5 năm), Quốc hội sẽ tiến tới thông qua một bộ luật có tính phổ quát, áp dụng trên phạm vi cả nước. Vì vậy, trong nội hàm của cơ chế đặc thù cũng như nguyên tắc áp dụng của cơ chế này cần được tính đến “sai số”, tức cho phép những dung sai từ thực tế đến quy định; ngoại trừ ý đồ, tư túi thì có thể chấp nhận những “phá rào” để thử nghiệm trong tháo gỡ những điểm nghẽn cố hữu.

Do đó, ở phạm vi thành phố, hiện quá trình phân cấp ủy quyền cho cấp quận/huyện đã và đang triển khai nhịp nhàng, tạo hiệu ứng chuyển động khá tốt. Chỉ tính riêng từ tháng 8/2023, UBND TP.HCM đã có 7 lần ủy quyền cho UBND quận/huyện nhằm thúc đẩy tiến độ đầu tư công. Từ ủy quyền cho UBND các quận huyện phê duyệt, điều chỉnh đồ án quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500; phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt và điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 (để phục vụ dự án đầu tư công) trên địa bàn TP; ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức được quyết định giá đất cụ thể và thành lập hội đồng thẩm định giá đất. Cơ chế ủy quyền này sẽ giúp địa phương rút ngắn thời gian phê duyệt đơn giá bồi thường từ 90 ngày xuống còn 45 ngày. Đến qua năm 2024, tháng 4, UBND TP.HCM tiếp tục ủy quyền cho UBND quận huyện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 để phục vụ dự án đầu tư công, thời hạn ủy quyền đến hết năm 2026.

Đến tháng 5/2024, UBND TP.HCM lại ban hành quyết định số 23 sửa đổi một số điều của quyết định số 19/2021 của UBND TP về nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công ở TP.HCM. Theo đó, đối với các chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực và các dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công ngân sách TP, Sở Kế hoạch – Đầu tư là cơ quan tham mưu chủ tịch UBND TP quyết định việc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp huyện để lập hồ sơ, trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đầu tháng 7/2024, UBND TP.HCM tiếp tục ủy quyền cho quận huyện phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các đồ án lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.

Song, ở cấp độ trung ương/thành phố thì động thái phân cấp, ủy quyền vẫn còn chậm và… hẹp, dẫn tới những hệ lụy không tránh khỏi khi thủ tục nhiêu khê, thời gian phản hồi kéo dài, quỹ đất sạch khan hiếm (do không kịp thời tháo gỡ vướng mắc), hấp thụ vốn đã khó, giữ chân nhà đầu tư chiến lược lại càng khó.

Nhìn rộng ra, không chỉ với Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị định 84 của Chính phủ về phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM, với các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị như Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31 về phát triển TP.HCM đang là cơ hội để tạo hành lang pháp lý rộng rãi hơn, phù hợp hơn cho tốc độ, yêu cầu phát triển của thành phố. Vì thế, rất cần một động thái mạnh mẽ, sự chuyển đổi thật sự về tư duy, phương thức điều hành từ luật định cho đến phân cấp thực tế cho các địa phương có tiềm năng, dư địa lớn. Chỉ như thế chúng ta mới có đủ nội lực và trường lực để bước vào “kỷ nguyên vươn mình” như chỉ đạo, định hướng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Điển hình là câu chuyện có tiếp tục cho thuê đất tại quận Gò Vấp, TP.HCM cho tập đoàn Mercedes-Benz khi thời hạn cũ sắp hết. Sau khi nghe Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo, chính Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã bật lên “quá vô lý”, thì liệu đề xuất của thành phố tiếp tục cho thuê khu đất thêm 5 năm mà không phải qua đấu giá, đấu thầu có được Chính phủ chấp thuận hay vẫn phải tuân thủ theo Nghị định 67/2017 và Nghị định 67/2021 hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sau khi kết thúc việc góp vốn, liên doanh, liên kết, khu đất phải được sắp xếp, xử lý lại bằng cách thu hồi và đấu giá?

Trong khi, cũng ở cấp độ trung ương, Chính phủ đã đẩy mạnh việc phân cấp ủy quyền cho địa phương trong việc chủ động triển khai các dự án cao tốc, kết quả hoàn toàn khả quan. Hay sự điều phối linh hoạt của Bộ Giao thông vận tải với các ban quản lý dự án công trình cũng đang rất tốt trên phạm vi cả nước.

Những điển hình tích cực ấy cần được nhân rộng, đẩy mạnh để việc phân cấp, ủy quyền cho địa phương, xuống đến địa bàn cơ sở sẽ không còn là đặc thù mà có tác dụng tất yếu, là đòn bẩy cho một thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây