Chia sẻ tại Đại hội cổ đông mới đây, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, cho biết “Con đường Masan đã chọn là phục vụ lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam”.
Bỏ gần 1 tỉ USD để nâng sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam lên mức 82,6%, Tập đoàn Masan chính thức thực hiện thêm một bước trên con đường đã lựa chọn như ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT, hơn một lần chia sẻ, đó là phục vụ lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam.
Tiếp cận người tiêu dùng bằng thương vụ tỉ USD
Người đứng đầu Tập đoàn Masan khẳng định “Con đường Masan đã chọn là phục vụ lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam” và bản thân ông “luôn tìm được ý nghĩa trên mỗi chặng đường”. Nếu cần “định danh”, ông Nguyễn Đăng Quang chính là “vua” hàng tiêu dùng ở Việt Nam.
Gần đây, trong một đoạn quảng cáo trên sóng truyền hình đã xuất hiện thông tin “VinMart sẽ được đổi tên thành WinMart”. Việc đổi tên này rất có khả năng sẽ diễn ra chậm nhất vào quý 4 năm nay. Đây là một phần trong kế hoạch mang đến “làn gió mới” nhằm cải thiện lợi nhuận của chuỗi bán lẻ này, bên cạnh các biện pháp khác như đổi mới cách thức trưng bày tại cửa hàng, mang đến định vị giá trị phù hợp với người tiêu dùng, cải thiện hiệu quả logistics… Masan dự kiến sẽ đầu tư 15 triệu USD để nâng cao tính hiệu quả hoạt động của nền tảng này.
Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel năm 2012, thì 98% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan. Cũng theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường này, Chinsu và Nam Ngư, 2 trong số nhiều thương hiệu nổi tiếng của Masan Consumer liên tiếp nhiều năm liền thuộc top các sản phẩm được chọn mua nhiều nhất tại khu vực thành thị (4 thành phố lớn) và nông thôn.
Lộ diện “ông vua” thị trường bán lẻ Việt Nam
Mỗi năm, Masan Group nghiên cứu đưa ra thị trường hàng chục sản phẩm mới. Thế nhưng, không tiếp cận trực tiếp với khách hàng thì mục tiêu “phục vụ lợi ích của người tiêu dùng” chưa thể trọn vẹn. Đó là một trong những lý do để Masan thực hiện cú bắt tay trị giá hàng tỉ USD để làm chủ hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Cụ thể, quý 2/2020, Masan Group (MSN) đã hoàn tất mua thêm 12,6% cổ phần tại The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 826 triệu USD, nâng tổng sở hữu của Masan tại The CrownX lên 82,6%. Trước đó, tập đoàn này đã ra nghị quyết thành lập Công ty TNHH The Sherpa và Công ty CP CrownX nhằm hoàn tất giao dịch hợp nhất giữa Công ty CP phát triển và thương mại dịch vụ VCM (VCM) và Công ty TNHH Masan Consumer Holdings (MCH). Thông qua The Sherpa và The CrownX, MSN là cổ đông sở hữu 85,7% cổ phần MCH và 83,7% cổ phần VCM.
Lộ diện “ông vua” thị trường bán lẻ Việt Nam
Ở mảng bán lẻ, VCM – đơn vị nắm quyền điều hành chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ với hơn 3.000 điểm bán là nền tảng bán lẻ hiện đại (MT) số 1 hiện nay: chiếm 30% thị phần kênh bán lẻ hiện đại trên toàn quốc. Không dừng lại ở đó, Masan còn có mối quan hệ mật thiết sẵn có với hơn 300.000 điểm bán lẻ truyền thống (GT). Trong chiến lược phát triển, Masan Group cho biết sẽ tận dụng mạng lưới bán hàng kênh GT của MCH và nền tảng mua sắm của VCM để phát triển mô hình nhượng quyền. Mạng lưới các cửa hàng nhượng quyền sẽ giúp công ty mở rộng sự hiện diện với tốc độ nhanh hơn và tạo điều kiện để thúc đẩy sự chuyển đổi sang bán lẻ hiện đại với quy mô toàn quốc.
Thực tế, bán lẻ hiện đại được dự đoán sẽ là xu hướng tiêu dùng tất yếu trong tương lai do tầng lớp trung lưu gia tăng, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh dự kiến đạt mức 50% tổng dân số vào năm 2024 và xu hướng mua sắm đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sau dịch bệnh Covid-19. Thay vì chỉ ở mức 8% như hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm từ 25 – 30% quy mô toàn ngành bán lẻ vào năm 2025. Từ “vua” tiêu dùng, với thương vụ lớn nhất trong lịch sử thị trường M&A Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Quang chính thức trở thành “vua” bán lẻ Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Online hóa siêu thị, khát vọng một “Amazon Việt Nam”
Theo chị Như Hằng, giảng viên báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, “chưa bao giờ đi chợ nhàn như hiện nay”. “Nhàn” mà chị Hằng nói đến là ngồi ở nhà “order” các loại thực phẩm ở siêu thị, đặc biệt là thịt heo MEATDeli. “Nhà toàn đàn ông, đạo thịt nên trước đây cứ cuối tuần tôi phải vào siêu thị mua đủ loại thực phẩm, nhiều nhất là thịt rồi về làm sạch, phân loại, gói ghém thành từng khẩu phần để ăn trong tuần. Giờ thì chỉ cần lên mạng đặt, MEATDeli đã phân loại sẵn 3 – 4 lạng/hộp, đủ loại, có cả thịt viên, thịt bằm, giò heo, sườn… khỏe thật”, chị Hằng kể và hào hứng, mua trên mạng còn hay được khuyến mãi nên vừa tiện vừa tiết kiệm.
“Tại Masan, hằng ngày chúng ta nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt Nam. Đó là sứ mệnh, nền tảng và niềm tin dẫn dắt con đường chúng ta đi. Hơn 20 năm qua và thời gian tới, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ vẫn tiếp tục đi con đường dài này, một hành trình vô tận, một hành trình không ngừng nghỉ. Không phải để đạt mục tiêu của chúng ta, chúng ta mới đi. Mà chúng ta làm người tiêu dùng hài lòng. Lớp người này, lớp người khác, thế hệ này, thế hệ khác – người Việt Nam làm vui lòng, làm hài lòng người tiêu dùng Việt Nam”.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan
Lộ diện “ông vua” thị trường bán lẻ Việt Nam
Đó cũng là tâm trạng của nhiều người tiêu dùng khi hệ thống VinMart của Masan chính thức triển khai dịch vụ mua hàng trực tuyến phục vụ khách hàng mùa dịch hồi đầu tháng 4 năm nay. Thế nên, online hóa The CrownX để kết nối giữa các hộ gia đình, nhà sản xuất hàng hóa và nhà bán lẻ đã được Tập đoàn Masan hoạch định là chiến lược.
Thực ra trên thế giới, mô hình bán lẻ kết hợp giữa offline và online không mới. Nhiều thương hiệu bán lẻ sau khi xây dựng đế chế vững mạnh ở cửa hàng truyền thống thì tiến lên online, và ngược lại. Chẳng hạn như trường hợp điển hình Alibaba (Trung Quốc), nổi lên với mô hình thương mại điện tử. Tuy nhiên sau đó chính Alibaba cũng phải đầu tư mạnh mẽ vào các công ty sản xuất, các chuỗi bán lẻ truyền thống, sở hữu các điểm bán lẻ vật lý.
Tương tự với thương hiệu bán lẻ Amazon (Mỹ). Sàn thương mại điện tử này cũng mua lại chuỗi cửa hàng bán lẻ, đặt tên thành Amazon Go, bán hàng hoàn toàn dựa trên các phát minh về công nghệ như mua sắm và thanh toán theo kiểu tự động. Điều đó cho thấy, việc kết hợp cả offline và online là hướng đi mới trong trào lưu bán lẻ hiện đại ngày nay. Khái niệm này được gọi là “bán lẻ kiểu mới”, với lãnh đạo Masan định nghĩa này khác đi một chút, đó là hệ sinh thái “tiêu dùng – công nghệ” (Consumer – Tech), với tiêu chí đặt người tiêu dùng làm trọng tâm.
Lộ diện “ông vua” thị trường bán lẻ Việt Nam
“Chúng ta đang kết hợp kinh nghiệm phục vụ người tiêu dùng và công nghệ vào cùng một nền tảng. Công nghệ không chỉ là bệ phóng cho mô hình kinh doanh sắp tới của chúng ta, mà bản thân công nghệ cũng sẽ là một mảng kinh doanh độc lập”, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang nhận định. Với hệ sinh thái đó, trong 5 năm tiếp theo, mục tiêu The CrownX là sở hữu 10.000 cửa hàng và 20.000 cửa hàng nhượng quyền, với doanh thu có thể lên đến 250.000 tỉ đồng (trong kịch bản tốt), phục vụ 35 – 50 triệu khách hàng.
Bán lẻ kiểu mới, với lãnh đạo Masan là hệ sinh thái “tiêu dùng – công nghệ”, với tiêu chí đặt người tiêu dùng làm trọng tâm
Tích hợp tiêu dùng – bán lẻ
Ngay khi sở hữu hệ thống VinMart/VinMart+, Masan tập trung phát triển danh mục được người tiêu dùng yêu thích, trong đó, xác định thực phẩm tươi sống là định vị giá trị chủ chốt để thu hút khách đến với chuỗi bán lẻ VinCommerce.
Với việc sở hữu MEATDeli (thương hiệu thịt mát chuẩn châu Âu đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam), VinEco hợp tác với người nông dân để nâng cao tiêu chuẩn canh tác, Masan có thể cung cấp các sản phẩm tươi ngon, chất lượng cao nhất cho người dùng. Các nhãn hàng riêng như MEATDeli, VinEco, VinMart Care, VinMart Good… được VinCommerce đặt trọng tâm tăng tốc trong 18 tháng kế tiếp với mục tiêu đóng góp ít nhất 30% doanh thu trong dài hạn. Ở ngành hàng Chăm sóc cá nhân và gia đình, đại diện Masan cho biết đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển và mang đến các sản phẩm đột phá cho người tiêu dùng Việt. Gần đây, Masan đã cho ra mắt bột giặt Joins 2 trong 1 – bột giặt thế hệ mới vừa có công dụng làm sạch, vừa kèm tính năng xả vải.
Chúng ta đang kết hợp kinh nghiệm phục vụ người tiêu dùng và công nghệ vào cùng một nền tảng. Công nghệ không chỉ là bệ phóng cho mô hình kinh doanh sắp tới của chúng ta, mà bản thân công nghệ cũng sẽ là một mảng kinh doanh độc lập
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan
Lộ diện “ông vua” thị trường bán lẻ Việt Nam
Trực tiếp phục vụ người tiêu dùng qua hệ thống bán lẻ trải dài trên cả nước, Masan “đo” được nhu cầu, thị hiếu, những khen – chê… để cải thiện từng cửa hàng, siêu thị. Từ đầu năm đến nay, tập đoàn đã đóng cửa 151 siêu thị và cửa hàng không hiệu quả, mở mới 45 điểm bán. Ban điều hành đang điều chỉnh mô hình hoạt động và hình thức bài trí cửa hàng, đặc biệt là ở khu vực TP.HCM. Những thay đổi này bước đầu đang giúp hệ thống bán lẻ hiệu quả đáng kể, ghi nhận doanh thu từ chuỗi siêu thị mini VinMart+ tăng 51,4%, chỉ số tăng trưởng doanh thu trên cùng cửa hàng (SSSG) là 3% trong quý 2/2020. Kênh siêu thị mini được Masan kỳ vọng sẽ là tương lai của bán lẻ hiện đại tại Việt Nam.
Lộ diện “ông vua” thị trường bán lẻ Việt Nam
Cũng với việc tích hợp nền tảng tiêu dùng – bán lẻ, Masan rút ngắn vòng phản hồi giữa nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng, từ đó mang lại lợi ích cho cả 3 bên. Ví dụ, mỗi năm Masan nghiên cứu, phát triển, đưa ra thị trường hàng chục sản phẩm mới. Các nhà sản xuất nói chung cần đo đạc phản hồi của người tiêu dùng với những sản phẩm này từ đó đưa các điều chỉnh và chiến lược phát triển cho phù hợp. Khi tung ra một sản phẩm mới, công ty ngay lập tức có thể thu thập ý kiến của khách hàng thông qua hệ thống bán lẻ. Ở chiều ngược lại, việc nhà bán lẻ liên kết mật thiết với nhà sản xuất giúp chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả hơn, cắt giảm chi phí trung gian, người tiêu dùng được hưởng lợi.