Lý do khối ngoại bán ròng gần 10.000 tỷ đồng

0
21

Tỷ giá biến động khiến nhà đầu tư nước ngoài cơ cấu lại dòng tiền, tạo áp lực bán ròng gần 9.900 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

Ba tháng đầu năm, khối ngoại chỉ mua ròng trong tháng 1, gần 178 tỷ đồng – mức thấp nhất 7 năm qua. Xu hướng bán trở lại trong tháng 2 và 3. Nhà đầu tư nước ngoài có 11 phiên liên tiếp bán ròng cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), khoảng 6.740 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm tới nay, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt 9.886 tỷ đồng. Mức này tương đương một nửa lượng bán cổ phiếu năm 2023.

Riêng từ đầu tháng 3 đến nay, giao dịch ròng âm gần 7.300 tỷ đồng. Đây là mức rút vốn cao nhất của nhà đầu tư ngoại trong hai năm qua, trừ đợt họ xả hàng hồi tháng 12/2023.

Tính riêng khớp lệnh, khối ngoại tập trung xả hàng ở các mã VNM, VHM, HPG, PVD, BID, MSN, DIG, SSI… Họ cũng rút vốn mạnh khỏi quỹ ETF DCVFMVN Diamond (FUEVFVND) của Dragon Capital.

Khối ngoại xả hàng mạnh, theo ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán VPBankS, do họ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu. Trong đó, diễn biến rút tiền ra khỏi thị trường Trung Quốc làm luân chuyển dòng tiền trong khu vực, toàn cầu thêm rõ nét. Dòng vốn có xu hướng giảm ở các thị trường tăng trưởng yếu, đồng tiền mất giá, và phân bổ vào những nơi hiệu quả hơn.

Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường chịu ảnh hưởng của đợt tái cấu trúc dòng vốn này. Thị trường chứng khoán Thái Lan năm 2023 bị rút hơn 5,8 tỷ USD, chỉ số chứng khoán giảm gần 13% tính đến hiện tại. Còn tại Việt Nam, đà bán ròng xuất hiện rõ nét từ tháng 8/2023 và kéo dài đến nay.

“Năm nay áp lực bán ròng gia tăng khi diễn biến tỷ giá tại nhiều thị trường vẫn biến động và mất giá so với USD. Điều này dẫn tới áp lực rút vốn tăng trở lại”, chuyên gia VPBankS nói với VnExpress.

Lực bán của nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam một phần cũng đến từ diễn biến rút vốn trên kênh ETF. Trong đó, vốn từ Thái Lan tác động đến xu hướng này do ảnh hưởng của chính sách thuế với khoản đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ tháng 1. Ngoài ra, một phần khối ngoại rút vốn khỏi nước này nên nhà đầu tư Thái cần tái cân bằng nguồn lực.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Trung – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Chứng khoán Thành Công (TCSC), cho rằng việc bán ròng có thể liên quan đến hành vi tái cân bằng danh mục của các quỹ đầu tư ngoại. Sau thời gian thị trường tăng điểm, họ chọn chốt lời ở các mã đã đạt kỳ vọng lợi nhuận. “Khảo sát của TCSC cho thấy những quỹ này bán ra nhưng không rút tiền về mà chờ cơ hội để tham gia thị trường thời gian tới”, ông nói.

Khác với cuối 2023, đợt bán ròng của khối ngoại gần đây không ảnh hưởng nghiêm trọng đến diễn biến chỉ số VN-Index. Ông Trung cho rằng điều này nhờ thanh khoản tăng mạnh. Giai đoạn trước, giao dịch khối ngoại chiếm 15-20% khi thanh khoản toàn thị trường dưới 20.000 tỷ đồng. Gần đây, giá trị giao dịch sàn HoSE neo quanh 25.000-30.000 tỷ, đẩy tỷ trọng của nhà đầu tư nước ngoài về 5-7% mỗi phiên.

Bên cạnh đó, lượng hàng xả của khối ngoại được nhà đầu tư trong nước hấp thụ tốt. Tuần trước (18-22/3), nhà đầu tư nước ngoài xả hàng hơn 1.900 tỷ đồng ở kênh khớp lệnh. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân mua gần 1.430 tỷ đồng. Từ cuối tháng 1 đến nay, lệnh bán ròng của khối ngoại và mua của nhà đầu tư cá nhân gần như luôn đối xứng.

“Dòng tiền trong nước của chúng ta đang rất mạnh”, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư TCSC nhận xét.

Chuyên gia này cho rằng, nhà đầu tư giữ tâm lý lạc quan trước những dữ kiện về phục hồi bán lẻ, sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng tốt. Ngoài ra, họ cũng có ít sự lựa chọn khi lãi suất tiết kiệm ở vùng đáy, bất động sản vẫn đóng băng, còn trái phiếu, vàng neo giá cao.

Dự báo trong ngắn hạn, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng tác động từ diễn biến của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa quá ảnh hưởng tới xu hướng thị trường. Bởi, lực cầu tích cực từ nhà đầu tư cá nhân trong nước duy trì tốt với nền thanh khoản cao. Trong đó, câu chuyện nâng hạng vẫn là thông tin quan trọng kích hoạt tâm lý lạc quan, nhất là khi các nút thắt như hệ thống công nghệ KRX hay các tiêu chuẩn nâng hạng (bỏ giao dịch ký quỹ 100% với người nước ngoài) được tháo gỡ.

Nhưng ông Sơn lưu ý, nhà đầu tư nên thận trọng quan sát khi nước ngoài bán ròng, tỷ giá biến động ngay trước vùng cản kỹ thuật 1.280-1.300 điểm.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây