Những đốm hồng xuất hiện
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Chỉ số PMI đã đạt trên 50 trong hai tháng liên tiếp, sau khi đạt dưới 50 trong 4 tháng cuối năm ngoái. Điều này được phản ánh qua khảo sát của Tổng cục Thống kê về đơn đặt hàng xuất khẩu.
Trong quý I/2024 so với quý IV/2023, có 19,1% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 47,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 33,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.
Trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,21 tỷ USD, tăng 26,2%, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 67,85 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,9%.
Dịch vụ được coi là động lực tăng trưởng mạnh nhất hiện nay khi khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23% GDP. Trong đó, đáng kể nhất là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,4% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3%.
Đây là số liệu rất tích cực nếu so với thực tế là lượng khách đến chợ truyền thống hiện đã giảm 30-50% so với thời điểm trước dịch Covid-19 mà báo chí trích dẫn phát biểu của một lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM.
Khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của ba tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Có thể thấy, những điểm sáng trên đây đang thắp lên nhiều hi vọng cho bức tranh kinh tế sau một năm khó khăn vừa qua.
Vẫn còn nhiều điểm rất đáng quan tâm
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng còn rất thấp. Tính đến thời điểm 25/3/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,17%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,99%).
Tín dụng tăng thấp phản ánh sức khỏe yếu của nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế trong nước. Điều đó còn hàm ý, nợ xấu của các tổ chức tín dụng rất đáng lưu tâm, dù có nghị quyết của Quốc hội.
Trong quý I, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Con số này cao bất thường và cao hơn nhiều so với 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).
Điều đáng nói thêm, như hệ quả của tình trạng trên, đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng vỏn vẹn 4,2%, chỉ cao hơn mức tăng thấp kỷ lục 2,7% năm 2023. Như vậy, đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đang hụt hơi.
Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn chưa được khai thông vì các vướng mắc pháp lý (chiếm tới 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản) đối với dự án chưa tháo bỏ. Số dự án mới 2023 chỉ bằng 1/10 so với các năm trước. Cung bất động sản nhỏ giọt trong khi nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là ở các thành phố lớn vẫn rất cao.
Điều này lý giải, dù thị trường bất động sản đóng băng, nhưng giá bất động sản không giảm, thậm chí tăng nóng ở phân khúc chung cư ở Hà Nội.
Bên cạnh đó, lãi suất rất khó để giảm tiếp trong bối cảnh lạm phát đang có dấu hiệu tăng, nỗ lực ổn định tỷ giá vẫn tiếp tục và lãi suất thế giới vẫn cao. Điều này cho thấy, dư địa của chính sách tiền tệ trong hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi là đã hết.