“Ngân hàng” lừa đảo huy động vốn đa cấp
“Cơ hội kiếm triệu USD, nhân đôi tài khoản”, “Dễ dàng trở thành triệu phú USD”… là những câu quảng cáo khó tin nhưng các công ty đầu tư, ngân hàng ảo vẫn thu hút được nhiều người tham gia.
Huy động vốn, trả lãi 600%/năm
Gần đây, cái tên Etop Bank đang được chú ý khi quảng cáo người chơi chỉ cần gửi tiền vào ngân hàng (NH) điện tử này thì sẽ nhanh chóng trở thành triệu phú USD.
Theo đó, người chơi chỉ cần gửi tiền thật để mua tiền ảo có tên là USDT tại Etop Bank với các gói từ 200 USD – 10.000 USD, theo các kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 năm. Lãi suất được trả theo các kỳ hạn gửi, từ 30 – 50%/tháng tương đương 600%/năm, cao gấp gần 100 lần lãi suất tiền gửi NH trong nước.
Sau kỳ hạn gửi, người chơi sẽ được rút toàn bộ tiền gốc. Lãi suất cao nhất là kỳ hạn 3 năm, nếu người tham gia gửi 1 tỉ đồng, mỗi tháng sẽ nhận lãi 500 triệu đồng. Nghĩa là sau 3 năm người tham gia sẽ nhận 18 tỉ đồng tiền lãi và 1 tỉ đồng tiền gốc. Thậm chí có thành viên môi giới nhấn mạnh: “Chơi tài chính này nếu mà ngon, thu nhập lên đến 10 – 20 tỉ đồng/tháng”.
“Các ngân hàng tự nhận ngân hàng điện tử nước ngoài là hoạt động bất hợp pháp, kinh doanh ngoại hối, tiền ảo nên những người tham gia vào hệ thống này là vi phạm pháp luật”
Ông Nguyễn Hoàng Minh(Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM)
Theo ước tính, dự án này dù mới đưa vào hoạt động đã thu hút được hàng nghìn người tham gia. Nhiều nhất là các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hưng Yên… Thế nhưng hiện website của Etop Bank đã đóng, những người vốn tự xưng đứng đầu dự án cũng biệt tăm. Theo thống kê chưa đầy đủ của VTV, ước tính hiện có khoảng 1.500 người là nạn nhân của đường dây Etop Bank. Đa số là đi vay để tham gia, người ít thì vài chục triệu, người nhiều đến tiền tỉ.
Ngay sau khi Etop Bank biến mất, một số môi giới tiếp tục chào mời dự án Winsbank. Dự án này cũng được giới thiệu là NH số đầu tiên trên thế giới được cấp phép hoạt động hợp pháp, có thể gửi tiền tiết kiệm, vay mượn và đầu tư chỉ với một nền tảng duy nhất, vay tiền thế chấp bằng tiền điện tử như BTC, ETH, WIN… Winsbank cũng phát hành cổ phiếu có tên gọi là eshare (ESR).
“Ngân hàng” lừa đảo huy động vốn đa cấp
“Đây chính là cơ hội làm giàu tốt trong năm 2020 để bạn x5, x10 lần tài sản sau 6 tháng tiếp theo khi sở hữu cổ phiếu eshare của Winsbank”, theo lời giới thiệu trên địa chỉ winsbank.io hay winsbank.vn. Đáng chú ý, giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Công an đưa ra cảnh báo về việc trang web này huy động vốn đa cấp bằng tiền ảo trái phép nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động.
“Luật dân sự hiện nay quy định tội cho vay nặng lãi, trong đó đề cập đến yếu tố lãi suất trên 20%/năm. Do đó, không thể có chuyện NH huy động vào với lãi suất 600%/năm. Ở đây, lãi suất cho vay ra cao cũng đã vi phạm quy định. Với những mô hình áp dụng hình thức đa cấp, chi trả hoa hồng cho những người mời chào người khác tham gia vào hệ thống chỉ có thể là hình thức ponzi, lấy tiền của người sau trả cho người trước. Trả lãi suất cao, chi hoa hồng nhiều là để lôi kéo mời chào càng nhiều người tham gia để phát triển hệ thống, chính là mồi câu vốn của hình thức này. Đến khi người sau vào ít, dòng tiền không đủ chi trả cho những người vào trước thì hệ thống sẽ sụp đổ.”
Ông Huỳnh Trung Minh, Giảng viên Học viện Ngân hàng
Để thu hút nhà đầu tư tham gia, Winsbank đưa ra rất nhiều lời “hứa hẹn” về tương lai của đồng tiền ảo Win và giá cổ phiếu ESR. Theo đó, nhà đầu tư sẽ có lãi suất cố định từ 2 – 12%/năm, sau khi tham gia bằng cách mua đồng tiền ảo WinCoin với 13 gói đầu tư WinCoin có giá trị từ 100 Win – 100.000 Win (tương đương từ 100 USD – 1 triệu USD); hoặc mua cổ phiếu ESR với 16 gói do Winsbank đưa ra từ 100 USD – 1 triệu USD. Nhà đầu tư còn được nhận lãi suất tĩnh khi cổ phiếu ESR tăng giá; nhận thêm lợi nhuận khi giới thiệu thành viên mới đầu tư vào Winsbank theo mô hình kinh doanh đa cấp và sẽ được trả thưởng đến 10 tầng…
“Ngân hàng” lừa đảo huy động vốn đa cấp
Trên thực tế, công an phát hiện hệ thống này do một nhóm đối tượng tại VN tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại VN. Bản chất Winsbank không có hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.
Mô hình đầu tư lãi khủng, siêu giàu… liên tục xuất hiện
Dù nhiều dự án huy động vốn đa cấp trái phép, sàn đầu tư tài chính lừa đảo đã bị phát hiện, kẻ chủ mưu bị truy tố hình sự nhưng các mô hình đầu tư lấy lãi “khủng”; “trở thành triệu phú USD” mà không cần làm gì vẫn liên tục xuất hiện, quảng bá rầm rộ trên các trang mạng xã hội và công khai chào mời, lôi kéo người tham gia.
Đó có thể là những sàn đầu tư tiền tệ quốc tế (forex) hay đầu tư chứng khoán quốc tế, chào mời đầu tư vào tiền số hoặc các ứng dụng cho vay tiền… nhưng hầu hết đều mang tính lừa đảo và đã được điểm mặt chỉ tên như Liber Forex, MyAladdinz, Bitkingdom, Crowd1… Gần đây xuất hiện thêm dự án có tên “King of invest” cũng gây nên nhiều nghi vấn tương tự.
Để tham gia, người chơi chỉ cần nạp tiền mặt vào một tài khoản trên trang web điện tử “King of invest”, với 7 mức đầu tư trong khoảng 200 – 30.000 USD. Lãi suất trả theo ngày 1,5%/ngày, tương đương 260%/năm và cao gấp 52 lần lãi suất tiền gửi NH. Sau 1 năm, người chơi sẽ rút được toàn bộ tiền gốc đầu tư. Ví dụ đầu tư gói 30.000 USD, tương đương 720 triệu đồng, mỗi tháng nhận lãi 9.000 USD, tương đương hơn 200 triệu đồng, chỉ sau 3 tháng là hòa vốn.
“Ngân hàng” lừa đảo huy động vốn đa cấp
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư chia sẻ trên các diễn đàn cho biết sau nhiều tháng bỏ tiền vào dự án vẫn không nhận được tiền lãi hay hoa hồng. Thay vào đó, tiền đầu tư lại được chuyển đổi về một loại tiền điện tử do “King of invest” tạo ra là CXC, với 1 CXC tương đương 0,1 – 9 USD. Việc này khiến giá trị tiền lãi nếu được nhận về cũng bị giảm đi rất nhiều lần.
Hoặc thử gõ từ khóa tìm kiếm đầu tư tài chính, hàng loạt quảng cáo chào mời đầu tư lãi cao. Tại trang web dautunhatnam.com.vn, quảng bá đầu tư sẽ có được lãi suất 192% trong 24 tháng và nhà đầu tư còn được tặng bất động sản tương đương giá trị gói đầu tư khi kết thúc hợp đồng.
Trang web này đưa ra ví dụ nếu đầu tư 50 triệu đồng, mỗi tháng sẽ nhận được 3 triệu đồng và khi hợp đồng kết thúc sau 24 tháng sẽ nhận được 60 triệu đồng. Đặc biệt, nhà đầu tư sẽ được sang tên 1 bất động sản có giá trị tương ứng, như vậy tổng số tiền nhận được sau 2 năm sẽ lên 122 triệu đồng, cao hơn gấp đôi so với tiền gốc. Nếu như đầu tư 3 tỉ đồng thì sau 2 năm sẽ nhận được 7,32 tỉ đồng…
“Ngân hàng” lừa đảo huy động vốn đa cấp
Đầu tư bất hợp pháp, rủi ro người tham gia gánh chịu
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, khẳng định: “NHNN hiện không cấp phép cho NH nào tên là Etop Bank, Winsbank. Với lãi suất 4%/tháng, chắc chắn đó là mô hình lừa đảo. Trong thời điểm dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay thì không ngành nghề nào có mức sinh lời khủng như vậy. Ở đây, các NH tự nhận NH điện tử nước ngoài là hoạt động bất hợp pháp, kinh doanh ngoại hối, tiền ảo nên những người tham gia vào hệ thống này là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, rủi ro mất tiền khi người tạo lập sàn bỏ trốn là điều không thể tránh khỏi”.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Minh, giảng viên Học viện Ngân hàng, nhận định các NH hoạt động theo mô hình đa cấp chưa được sự cấp phép của nhà nước. Khi pháp luật không công nhận mô hình đầu tư này, đồng nghĩa người tham gia vào hệ thống sẽ không được bảo vệ.
“Ngân hàng” lừa đảo huy động vốn đa cấp
Còn theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), kinh doanh hoạt động đa cấp phải được đăng ký theo quy định tại Nghị định 40/2018 của Chính phủ. Các sàn đầu tư tài chính kinh doanh đa cấp đều không được cấp phép, đặc biệt một số sàn đầu tư tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tham gia. Các tổ chức, cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự. Ngoài ra, quy định pháp luật còn quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác bị phạt tiền và đi tù, nặng nhất là 20 năm tù hoặc chung thân.
Nguồn: http://g-saram.com