Bitcoin đu đỉnh “dân cày” Việt không mấy mặn mà
Những ngày qua, việc Bitcoin chạm đỉnh 33.000 USD và có khả năng tiếp tục tăng khiến các nhà đầu tư xôn xao, nhưng giới đào coin lại tỏ ra không mặn mà gì với đồng tiền mã hóa này.
Cơn sốt Bitcoin hồi năm 2017 đã trở lại khi đồng tiền mã hóa này chính thức chạm đỉnh mới 33.000 USD, kéo tổng giá trị vốn hóa của thị trường Bitcoin lên khoảng 575 tỷ USD. Tổ chức tài chính JPMorgan thậm chí còn đưa ra dự đoán Bitcoin có thể chạm mốc 146.000 USD trong dài hạn nếu tiếp tục lôi kéo được những người mua vàng.
Có nhiều lý do được các chuyên gia kinh tế đưa ra cho đà đu đỉnh mới này của Bitcoin, dẫn từ những nguyên nhân cụ thể như ảnh hưởng của Covid-19, Brexit (nước Anh rời khỏi EU), tác động của Mỹ và Trung Quốc, các quy định pháp lý mở với tiền ảo (cryptocurrency)…
Tuy nhiên, không cần phải là một chuyên gia kinh tế, người ta đều biết rằng tổng số Bitcoin trên toàn thế giới bị giới hạn ở con số 21 triệu. Một khi các dân cày khai thác cạn kiệt số coin này, sẽ không còn bất cứ nguồn cung nào để khai thác.
Bitcoin đu đỉnh “dân cày” Việt không mấy mặn mà
Đó cũng là lý do từ vài năm qua, chứ không phải đến tận bây giờ, dân cày Việt mới đầu hàng trước Bitcoin và chuyển qua đồng tiền mã hóa khác. Mặc dù hiện nay thị trường đang có nhu cầu mua vào lớn hơn sản lượng khai thác ra, trung bình khoảng 900 Bitcoin mỗi ngày trên toàn cầu.
Nguyên do là bởi hệ thống trâu cày Việt không thể sánh được với dàn trâu cày của Trung Quốc, vốn có thể đặt ở những nơi có điều kiện thời tiết lạnh lý tưởng để tối đa hóa chi phí. Đó là chưa kể, quy mô nhà máy trâu cày Việt thua xa Trung Quốc dẫn tới thời gian hoàn vốn kéo dài hơn.
Cũng không giống như các nhà đầu tư chỉ việc ném tiền vào, dân cày phải là những người am hiểu về tiền ảo, hiểu về cách vận hành đường điện, quan trọng nhất là biết cách lựa chọn và tối ưu hóa trâu cày, tức ép xung cho card màn hình (VGA) sao cho đạt hiệu quả cao nhất có thể mà không gây hư hại đến thiết bị.
Ngoài ra, do vốn liếng ít, dân cày luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi tiền mã hóa lên xuống thất thường, bởi họ buộc phải đào ra bao nhiêu coin bán đi bấy nhiêu để trả các chi phí vận hành. Trừ chi phí hàng tháng cộng với tiền đầu tư mua trâu cày ban đầu, dân cày mới hòa vốn và thu được lãi sau số tháng nhất định. Đấy là chưa tính đến chuyện mất trắng do sập sàn hoặc coin xuống giá, càng đào càng lỗ.
Bitcoin đu đỉnh “dân cày” Việt không mấy mặn mà
Đó là về mặt lý thuyết, từ lâu nay dân đào Bitcoin đã đầu hàng trước đồng tiền này và chuyển qua những đồng tiền mới nổi khác như ETH. Dù vậy, một dân cày cho biết lợi nhuận từ ETH vẫn rất “chua”, đầu tư một dàn trâu giá khoảng 30-40 triệu đồng, ngày thu về từ 10-19 USD chưa trừ chi phí. Thời gian hoàn vốn lại phụ thuộc lớn vào biến động giá của đồng ETH, vốn cũng lên xuống thất thường không kém gì Bitcoin.
Dẫn câu chuyện chua chát cách đây 3 năm trước khi đổ 5 tỷ đồng đầu tư dàn 100 trâu xanh ở thời điểm giá trâu cao ngất ngưởng, anh Hiếu Văn (TP.HCM) cho biết cuối cùng phải cắn răng cắt lỗ, chỉ thu lại được khoảng 500 triệu đồng bán xác trâu sau vài tháng.
Bitcoin đu đỉnh “dân cày” Việt không mấy mặn mà
Thực tế, thời điểm Bitcoin đang trên đà lên cũng là lúc các dân cày cũ bán trâu chốt lời và chuyển sang vụ mùa mới hoặc đầu tư vào lĩnh vực khác. Trong khi đó, lái trâu (ám chỉ những người buôn VGA) là những người rất tích cực mua vào và bán ra ở thời điểm này. Dẫn ra câu chuyện vui của thế kỷ 19 khi người Mỹ đổ xô đi đào vàng còn một người đi bán xẻng trở thành tỷ phú, lái trâu Jacky Nguyễn (Vũng Tàu) khuyên mọi người nếu có tiền nhàn rỗi hãy đầu tư để lỡ có lỗ vốn, mất tiền cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống.
Đồng quan điểm, nhà đầu tư Thiện Hoàng cũng khuyên mọi người tỉnh táo, tránh tình trạng tham lam che mờ mắt, đu đỉnh coin ở một cái đỉnh không tưởng. Quản trị của một nhóm về coin với hơn 100.000 thành viên này kết luận Bitcoin tăng giá lần này là ảo do bơm thổi chứ không phải cung cầu thực tế. Anh cũng đánh giá các loại coin cỏ (altcoin) sẽ khó có đà tăng theo, trừ các loại coin dự án được đảm bảo bởi chính phủ hoặc tổ chức uy tín.
Nguồn: http://g-saram.com